Xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) có mỏ đá vôi trắng quý phục vụ sản xuất xi măng, nghiền bột siêu mịn cung cấp cho nhiều ngành sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Thịnh, Chủ tịch UBND xã Mông Sơn, huyện Yên Bình cho biết, có trữ lượng hàng trăm triệu tấn, nhưng vùng mỏ đá Mông Sơn có đặc thù núi cao, độ dốc lớn, diện tích hẹp, nên việc khai thác tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn lao động. Chính vì thế, thời gian qua, chính quyền xã đã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, đôn đốc các công ty, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động tại các mỏ đá.
Công nhân công ty Việt Đức vận hành máy móc trong chế biến đá trắng ở Lục Yên
"Trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác đá, do vậy trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền đến các lao động, doanh nghiệp đảm bảo an toàn tuyệt đối khi sản xuất, lao động, cũng như là giữ gìn vệ sinh môi trường. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, do vậy những năm qua địa phương không có tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra", ông Đỗ Xuân Thịnh nói.
Trên các công trường khai thác đá, việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân như mũ, quần áo, khẩu trang, ủng… được các đơn vị quan tâm thực hiện đầy đủ, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.
Khai thác khoáng sản ở Yên Bái
Tại mỏ đá hoa trắng Mông Sơn, ông Lưu Văn Cường - Giám đốc khu mỏ đá này cho biết, ngoài chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, đơn vị cũng luôn thực hiện nghiêm phương án khai thác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó là ban hành quy chế về an toàn vệ sinh lao động, có thưởng, phạt, mục đích là để các công nhân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn lao động, vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho bản thân công nhân, vừa đảm bảo uy tín của doanh nghiệp.
"Nhận thức rõ tầm quan trọng của đảm bảo an toàn lao động trong hoạt động sản xuất, chúng tôi luôn tuân thủ các biện pháp từ phòng cháy chữa cháy đến trang bị bảo hộ cá nhân cho người lao động. Về công nghệ sản xuất, tất cả các máy móc, thiết bị đều tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...", ông Lưu Văn Cường cho biết.
Tại huyện Lục Yên (Yên Bái) – nơi được ví là “thủ phủ” của các loại đá trắng, hiện hàng chục đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến đá đang hoạt động, với hơn 1.300 lao động, chủ yếu là người địa phương.
Nhiều máy móc, thiết bị hiện đại được đưa vào khai thác đá trắng ở Lục Yên, Yên Bái
Để phòng ngừa và hạn chế các vụ tai nạn lao động có thể xảy ra, nhất là trong mỗi mùa mưa bão, cấp uỷ, chính quyền huyện Lục Yên luôn chú trọng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức thi công khai thác theo đúng thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trang bị đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động; đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động và đảm bảo chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động…
Bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Huyện tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, kỹ thuật về an toàn trong khai thác đá lộ thiên. Áp dụng công nghệ tiên tiến vào khai thác để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra hiện trường khai thác nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những thiếu sót tồn tại; kiên quyết dừng sản xuất đối với các vị trí không đảm bảo an toàn. Phải lưu ý trình tự khai thác, chiều cao tầng, chiều rộng mặt tầng, góc dốc bờ mỏ; phải bố trí mặt bằng sản xuất, xử lý triệt để các vị trí nguy hiểm như “hàm ếch”, mỏ đá cheo leo".
Ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhờ được tuyên truyền, vận động nên bản thân mỗi công nhân lao động cũng đã ngày càng ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động để đảm bảo an toàn cho chính mình trong quá trình lao động, sản xuất.
Lục Yên, Yên Bái hiện có hàng chục đơn vị khai thác, chế biến đá, vì vậy việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động thường xuyên được huyện chú trọng
Chị Hoàng Thị Hương - công nhân tham gia một trong các khâu chế biến đá trắng ở Lục Yên nói: "Khi vào làm tất cả chúng tôi phải tuân thủ các quy định của Công ty như quần áo bảo hộ, đi giày, găng tay, mũ… và tránh xa các máy móc, các xe bốc xếp, xe nâng chạy xung quanh để đảm bảo an toàn".
Tỉnh Yên Bái hiện có hơn 100 mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực của gần 80 tổ chức, doanh nghiệp, chủ yếu là các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, than, quặng đồng, quặng sắt, chì kẽm, đá vôi trắng, thạch anh, Graphit, cát sỏi... Những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động thương tâm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ tai nạn lao động có thể xảy ra, mới đây, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.